Trộm nhìn nhau là một trong những sáng tác tiêu biểu của nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng. Bài hát có giai điệu nhẹ nhàng sâu lắng, lời ca mang tính chất tự sự rất tình cảm. Ca khúc này được thể hiện qua nhiều giọng ca khác nhau, nhưng ca sĩ thể hiện bài này một cách trọn vẹn và tình cảm nhất, theo tôi là Hoàng Oanh, con chim vàng Mỹ Tho.

Trong chương trình Asia 16 chủ đề Giã từ (1997), Hoàng Oanh bắt đầu bài hát này với bốn câu thơ của Lưu Trọng Lư. Ngâm thơ trước khi hát là phong cách trình diễn đặc trưng của bà khó lẫn với bất cứ ca sĩ nào khác.

... Em ngồi trong song cửa

Anh đứng dựa tường hoa

Nhìn nhau mà lệ ứa

Một ngày một cách xa…

Về cấu trúc ca khúc, Trộm nhìn nhau là một trong những tác phẩm mang phong cách Trầm Tử Thiêng rõ rệt nhất. Bài hát có bố cục không theo những thể thức thông thường. Trong khi đa số các ca khúc thường có bốn phân đoạn dạng AABA - phiên khúc/phiên khúc/điệp khúc/phiên khúc; Trộm nhìn nhau lại có ba phân đoạn AAA có cấu trúc và giai điệu như nhau. Đây là thủ pháp sáng tác ưa thích của Trầm Tử Thiêng. Ở tác phẩm Đò dọc ông cũng áp dụng cấu trúc ba phân đoạn tương tự nhưng phần điệp khúc ở mỗi phân đoạn thì được tách bạch rõ hơn (AAB-AAB-AAB). Đối với Trộm nhìn nhau, bố cục ba phần chính là chủ ý của tác giả vì ông muốn nói lên tâm sự của ba người khác nhau trong một gia đình.

Về nội dung, Trộm nhìn nhau kể về một anh lính về thăm nhà, qua đó nói lên những tâm tư suy nghĩ của anh về người vợ, của người vợ đối với chồng, của người con đối với mẹ già cũng như những suy ngẫm của người mẹ về cuộc đời. Thời đó, gia đình nào mà không có người trai đi chinh chiến, gia đình nào không có những bà mẹ ngóng tin con, những cô phụ mong đợi chồng về. Gia đình là hạt nhân, là căn bản của xã hội. Cho nên có thể nói tâm tư của từng gia đình cũng chính là tâm tư chung của toàn xã hội vậy.

Mở đầu bài hát là những suy nghĩ của người chồng, một người lính khi về thăm nhà:

Đôi khi trộm nhìn em

Xem dung nhan đó bây giờ ra sao.

Em có còn đôi má đào như ngày nào?

Kể từ khi vắng nhau em như tấm vải lụa đào.

Thương thâu đêm giấc ngủ xanh xao.

Em có bề nào ai đón ai đưa?

Cuộc đời là vách chắn, là rào thưa, thương em tiếng hát sang mùa.

Một mai mưa ướt áo em

Áo mỏng đường mềm dáng nhỏ chân đêm…

Khi được phép về thăm gia đình, anh lo nghĩ lâu ngày xa cách không biết vợ mình có còn xuân sắc như ngày xưa qua hình ảnh ẩn dụ đôi má đào. Tuy vậy khi ngắm nhìn vợ, anh vẫn thấy vợ anh đẹp như một tấm vải lụa đào. Anh thương vợ vì vắng mình mà phải chăn đơn gối chiếc giấc ngủ không tròn làm nhan sắc xanh xao. Anh lo ngại khi anh vắng nhà, vợ anh có bề nào thì anh không còn ai để lo lắng chăm sóc. Ngăn cách tiếp nối, anh có cảm giác cuộc đời anh như có một vách chắn, tuy chỉ là rào thưa nhưng lại khó vượt qua. Ta có thể thấy anh là một người chồng tận tụy quên thân mình và rất yêu thương vợ, tuy phải ra đi vì đất nước nhưng lúc nào cũng lo nghĩ đến người vợ ở nhà vò võ một mình. Đến đây tôi chợt nhớ đến lời bài hát Chuyện hoa sim cũng nói lên cùng một suy nghĩ của những người lính xa vợ: “Ôi lấy chồng chiến binh, lấy chồng thời chiến chinh mấy người đi trở lại. Sợ khi mình đi mãi, sợ khi mình không về, thì thương người vợ bé bỏng chiều quê…” Những người lính không sợ chết, chỉ sợ những người phụ nữ của họ phải buồn phải khổ nếu chẳng may họ không trở về.

Đoạn tiếp theo là tâm sự của người vợ khi lén nhìn chồng mình từ đơn vị về:

Đôi khi trộm nhìn anh

Xem đôi tay rắn phong trần năm xưa.

Anh có còn mê sông hồ qua từng mùa?

Kể từ khi vắng anh, em như tấm vải lụa nhầu.

Đêm thâu đêm giấc mộng xanh xao.

Anh có bề nào ai đón đưa em?

Cuộc đời là vách núi, là tường mây, quê hương nắng gió đêm ngày.

Mà anh chim hút cánh bay

Thăm thẳm đường dài, ít về thăm em …

Héo hon vì thương nhớ, người vợ tự ví mình như tấm vải lụa nhầu vì không được gần chồng, không còn tươi tắn như hồi mới cưới. Một suy nghĩ rất phụ nữ. Cô lo sợ ngoài sa trường súng đạn vô tình, nhỡ chồng mình có mệnh hệ nào thì mình sẽ lẻ bóng đi sớm về trưa một mình. Nhạc sĩ dùng hình ảnh ẩn dụ quê hương nắng gió đêm ngày để nói về chiến tranh kéo dài trên quê hương không biết khi nào mới chấm dứt. Chiến sự liên miên khiến người chồng như cánh chim biền biệt ít có cơ hội về thăm gia đình. Nhạc sĩ dùng từ rất đắt, bốn chữ “ít về thăm em” ngắn gọn mà súc tích như một lời trách nhẹ nhàng mà khiến người nghe day dứt khôn nguôi. Ta có thể hình dung nỗi niềm của người vợ và cảm thương cho thân phận người phụ nữ trong thời chiến tranh ly loạn, bình thường đã là cô phụ mà không biết mình sẽ trở thành quả phụ vào lúc nào.

Đoạn sau cùng nói về suy nghĩ của người con khi nhìn mẹ mình và những suy ngẫm của người mẹ về cuộc đời:

"Đôi khi trộm nhìn mẹ

Soi gương trang điểm cho đời thêm tươi.

Thương tiếc thời tô phấn hồng sang nhà người.

Rồi mùa xuân cũng qua

Mang theo tuổi dại ngọc ngà.

Đêm thâu đêm tính gọn tương lai

Mơ thấy một ngày con níu chân cha.

Cuộc đời là bể cả, là dòng sông, như con nước lớn nước ròng.

Mà ta như chiếc lá khô

Nước chảy rời nguồn, lá đành trôi theo."

Cuộc đời vốn không êm ả mà thăng trầm, lúc lên lúc xuống như con nước khi đầy khi vơi. Cha anh ngày xưa chắc cũng ra đi không trở lại khi anh còn chưa biết mặt cha nên người mẹ lúc nào cũng mơ có một ngày được thấy cảnh con níu chân cha. Bây giờ lại đến lượt anh cũng phải lên đường đi chinh chiến. Mẹ già như chiếc lá khô, cũng đến lúc phải rụng rơi trôi theo dòng đời như một quy luật. Lời bài hát da diết đến nao lòng.

Trộm nhìn nhau là một ca khúc bất hủ trong tâm thức của người Việt Nam. Nó mang một nỗi buồn sâu lắng, thể hiện những tâm trạng khắc khoải của con người trong một giai đoạn đau thương của lịch sử Việt Nam thời cận đại. Nó khiến người nghe bất giác đặt ra những câu hỏi: nếu như không có chiến tranh, phải chi các gia đình không phải ly tán. Tôi chợt nghĩ đến hiện tại và nhận ra rằng, quê hương mình từ đó đến nay có bao giờ thật sự được yên ả đâu. Ngoài kia Biển Đông vẫn đang dậy sóng. Lòng người vẫn còn khắc khoải và nhiều tâm tư lắm.

BÌNH LUẬN