Nói đến nhạc sĩ Bắc Sơn, giới yêu nhạc sẽ liên tưởng ngay đến những ca khúc nổi tiếng như: Còn thương rau đắng mọc sau hè, Sa mưa giông, Em đi trên cỏ non, Bông bí vàng ...

Nhạc của Bắc Sơn, hầu hết mang đậm phong cách dân ca Nam Bộ, nghe nhạc của ông, chúng ta cảm nhận được ở tác giả một tâm hồn thuần phác, hồn hậu, chất chứa một tình yêu quê hương ...

Đó là nói về âm nhạc, còn giới yêu thích điện ảnh hẳn không quên người diễn viên có mái tóc, chòm râu trắng như cước rất nghệ sĩ và rất ăn ảnh. Ông diễn mà cứ như là không diễn gì hết trong các bộ phim: Cô Nhíp (vai Phúc, đạo diễn Khương Mễ, năm 1977), Người tìm vàng (vai Hai Bạc Liêu, đạo diễn Đào Bá Sơn, đạt giải Diễn viên xuất sắc nhất trong Liên hoan Phim lần 9, năm 1990), Con chó phèn (vai ông Tư, đạo diễn Trương Dũng, năm 2000) .. Đó là những phim tiêu biểu trong số khoảng 60 bộ phim ông từng góp mặt. Bên cạnh đó, ông còn là tác giả của 80 kịch bản phim.

Nhạc sĩ Bắc Sơn tên thật là Trương Văn Khuê, sinh ngày 25 tháng 12 năm 1931 tại Long Thành (Đồng Nai) trong một gia đình có đến 4 thế hệ sống chung: bà cố, bà ngoại, mẹ và ông. Nhà ở cạnh ngôi đình có cây dầu lớn, mỗi ngày lính săng-đá (soldat: là lính của các đơn vị chính quy người Pháp hồi họ mới đến Việt Nam) tới đây thổi kèn. Chính tiếng kèn đồng đã khơi gợi tiềm thức âm nhạc trong tâm hồn cậu bé. 8 tuổi, Trương Văn Khuê mới được gặp cha và được ông đặt tên là Bắc Sơn, trước khi ông vào chiến khu tham gia chống Pháp ..

Nhìn di ảnh của cố nhạc sĩ Bắc Sơn: mái tóc và chòm râu quai nón bạc trắng như cước rất phong trần và quen thuộc nhưng mấy ai biết được lúc 21 tuổi, chàng thanh niên Trương Văn Khuê vì theo cha đi làm “quốc sự” đã bị Phòng Nhì Pháp bắt ở Dầu Tiếng (Tây Ninh), rồi tra tấn bằng bóng đèn điện suốt 2 tuần lễ, đến nỗi tóc bạc trắng (từ đó tóc của Bắc Sơn không bao giờ đen lại).

Sau khi được thả ra, Bắc Sơn lang thang khắp các tỉnh miền Đông Nam Bộ để dạy học suốt 25 năm, rồi về Sài Gòn học nhạc với các nhạc sĩ Võ Đức Thu, Võ Đức Tuyết và Nghiêm Phú Phi, ông cũng học một khóa điện ảnh (chung lớp với nghệ sĩ Kim Cương). Năm 1974, ông cùng với Ba Vũ, nhà thơ Kiên Giang, nhà văn Sơn Nam thực hiện chương trình “Quê Ngoại” trên Đài Truyền hình Sài Gòn chuyên phát những vở kịch ngắn 45 phút. Ông phụ trách phần viết kịch bản và viết nhạc nền, trong đó vở kịch “Bếp lửa ấm” có nhạc nền là ca khúc Còn thương rau đắng mọc sau hè (mời bạn xem bài chi tiết tại đây) với những hình ảnh hết sức dung dị.

Người hát bài này đầu tiên là danh ca Hoàng Oanh, nhưng bản nhạc không tạo được hiệu ứng mấy vào thời đó. Sau năm 1975, ca sĩ Hương Lan hát và ghi âm Còn thương rau đắng mọc sau hè tại Pháp và nhanh chóng lan truyền trong giới Việt kiều có chung tâm trạng vọng cố hương. Rồi từ hải ngoại, bản nhạc “dội” về Việt Nam.

Nhạc sĩ Bắc Sơn chia sẻ: “Mọi cảm xúc để tôi viết bài hát này cứ tự nhiên mà đến, tôi nghĩ sao thì viết vậy chứ chẳng cần điều gì to tát cả”.

Lời bài hát Còn thương rau đắng mọc sau hè:

Nắng hạ đi, mây trôi lang thang cho hạ buồn coi khói đốt đồng, để ngậm ngùi chim nhớ lá rừng.

Ai biết mẹ buồn vui khi mẹ kêu cậu tới gần, biểu cậu ngồi mẹ nhổ tóc sâu, hai chị em tóc bạc như nhau.

Đôi mắt cậu buồn hiu, phiêu lưu rong chơi những ngày, đầu chừa ba vá miếng dừa, đường mòn xưa, dãi nắng dầm mưa.

Ai cách xa cội nguồn, ngồi một mình, nhớ lũy tre xanh, dạo quanh khung trời kỷ niệm, chợt thèm rau đắng nấu canh.

Xin được làm mây mà bay khắp nơi giang hồ.
Ghé chốn quê hương xa rời từ cất bước ly hương.
Xin được làm gió dập dìu đưa điệu ca dao.
Chái bếp hiên sau cũng ngọt ngào một lời cho nhau.

Xin sống lại tình yêu đơn sơ rong chơi những ngày đầu chừa ba vá miếng dừa, đường mòn xưa, dãi nắng dầm mưa.

Ai cách xa cội nguồn, ngồi một mình, nhớ lũy tre xanh, dạo quanh khung trời kỷ niệm chợt thèm rau đắng nấu canh.

BÌNH LUẬN