100 đồng tiền vàng
Vị học giả lỡ lời nói cho 1 trong số những người bạn mới gặp rằng ông ta mang theo 100 đồng tiền vàng, chẳng ngờ việc làm này đã khiến người này nổi lòng tham.
Có một học giả tên là Bukhari từng sống ở Ả Rập Xê út, được rất nhiều người kính trọng về sự trung thực và những kiến thức uyên thâm của mình. Một hôm, ông quyết định sẽ tham gia một chuyến đi chơi bằng tàu biển để vừa nghỉ ngơi thư giãn, vừa được thăm thú các vùng đất mới trên thế giới.
Trước khi lên đường, Bukhari đã chuẩn bị cho mình một số tiền lớn, gồm 100 đồng tiền vàng, để bản thân có thể thoải mái chi tiêu mà không cần phải lo nghĩ.
Ngày khởi hành đã đến, Bukhari thoải mái xách hành lý lên tàu. Ông cũng gặp vài người bạn đồng hành. Sau khi hỏi han, thấy rất hợp nhau, họ đã cùng nhau kết bạn, cùng nhau trò chuyện hết sức vui vẻ.
Trong lúc trò chuyện, Bukhari đặc biệt quý mến một người trong số đó. Vài ngày sau, họ nhanh chóng trở thành bạn thân, có gì cũng chia sẻ với nhau. Khi đó, Bukhari mới biết hóa ra người bạn này có hoàn cảnh không được như mình.
Khi đó, với sự hào sảng sẵn có, ông đã an ủi người kia rằng, không có gì phải lo hết, ông đã mang sẵn 100 đồng tiền vàng theo người, có thể giúp đỡ người kia phần nào.
Chẳng ngờ, ngay sau khi trông thấy 100 đồng tiền vàng lấp lánh, lòng tham nổi lên, chẳng còn đếm xỉa gì tới lòng tốt của người bạn mới quen, anh ta bắt đầu ngày đêm nghĩ cách để có thể nuốt trọn số tiền của Bukhari.
Trong khi đó, Bukhari thì vẫn chẳng mảy may suy nghĩ gì, vẫn đối xử với anh ta một cách tử tế.
Một buổi sáng, khi cả con tàu vẫn còn đang chìm trong giấc ngủ, người ta bỗng nghe thấy tiếng khóc lớn từ một người đàn ông. Sau khi thấy vậy, mọi người đổ xô đến hỏi han thì hóa ra đó chính là anh bạn mới quen của Bukhari. Người này vừa khóc vừa nói: "Tôi có 100 đồng tiền vàng mà bây giờ bị mất rồi. Tôi phải làm sao đây?".
Nghe thấy thế, ai cũng cảm thấy giật mình. Sao trên tàu lại có tên trộm nào to gan đến mức thế, dám lấy đi 100 đồng tiền vàng.
Tuy nhiên, mọi người nhanh chóng an ủi anh ta: "Anh yên tâm đi, chúng ta đang ở trên con tàu lênh đênh giữa biển cả, nếu có lấy của anh thì hắn ta cũng làm sao giấu chúng đi đâu được. Cứ khám xét hành lý của mọi người là sẽ ra mà thôi".
Vậy là các nhân viên phục vụ tàu nhanh chóng bắt đầu công tác kiểm tra hành lý của tất cả mọi người. Nhưng chẳng có gì được tìm thấy.
Đến lượt của Bukhari, vài người đã nhanh nhảu nói: "Không thể nào là ông ấy, từ xưa đến nay ông ấy nổi tiếng là người trung thực, chính trực. Ông ấy sẽ không làm chuyện mất mặt ấy đâu".
Tuy nhiên, Bukhari xua tay ngay và nói: "Không đâu, tôi cũng muốn được bình đẳng như mọi người. Cứ khám xét đi hành lý của tôi cho mọi thứ được rõ ràng".
Cuối cùng, họ cũng đã khám xét hành lý của ông, song cũng không có đồng tiền vàng nào cả.
Hai ngày sau, chính kẻ tham lam đứng sau âm mưu chiếm đoạt 100 đồng tiền vàng của Bukhari đã cảm thấy rất xấu hổ với hành vi của mình. Mặt khác, hắn cũng tò mò không biết Bukhari đã giấu 100 đồng tiền vàng ở đâu mà lại có thể qua mắt được tất cả mọi người như thế nên lân la tới thú tội với Bukhari.
"Hãy tha thứ cho tôi nhé, Bukhari. Chỉ vì lòng tham lớn mà tôi đã nảy ra ý định chiếm đoạt của cải của ngài. Nhưng tôi đã thất bại. Tôi có thể hỏi ngài đã giấu 100 đồng tiền vàng của mình ở đâu không?".
Bukhari mỉm cười 1 cách bình tĩnh và nói: "Ta đã ném chúng xuống biển rồi".
Người đồng hành của ông ngay lập tức biến đổi sắc mặt và trở nên sững sờ. Chỉ vì sự ích kỷ của anh ta mà một người lương thiện đã mất đi 100 đồng tiền vàng giá trị.
"Anh có biết tại sao ta lại làm thế không?", Bukhari hỏi lại.
Người đồng hành lắc đầu, hỏi lại: "Tại sao, thưa ngài?".
Bukhari đáp: "Vì trong đời, ta chỉ thực sự có 2 tài sản lớn nhất mà thôi, thứ nhất là sự trung thực của bản thân, và thứ hai là lòng tin của mọi người. Tiền thì có thể kiếm lại được, nhưng lòng tin thì rất khó. Nếu mọi người tìm thấy số tiền đó của ta và ta khẳng định đó là tiền của ta, mọi người có thể sẽ tin, nhưng cũng sẽ có vài người bắt đầu nghi ngờ sự trung thực của ta".
Nghe thấy thế, người đồng hành kia phủ phục dưới chân của Bukhari, không ngừng xin lỗi vị học giả.
Bài học: Người có trí tuệ không bao giờ coi tiền bạc là tất cả, mà ngược lại, sự trung thực và được người khác tín nhiệm với họ còn có ý nghĩa hơn rất nhiều.
Bên cạnh đó, câu chuyện cũng cho thấy cách xử trí rộng lượng, mở lòng nhân sinh ra vạn phúc của vị học giả, khiến người khác phải nể phục.
Mặt khác, đây cũng là một bài học về sự cảnh giác, về cách nhìn nhận con người. Đừng vì quá tin tưởng ai đó, nhất là những người mới quen biết, mà "dốc hết tim gan", vì điều đó có thể tự đẩy bạn vào những tình huống rắc rối.
Người đăng: Việt Tí
Bài mới hơn
Bài cũ hơn
BÌNH LUẬN